Giúp bé sức mạnh đối mặt với stress: phần 2

Giúp bé sức mạnh đối mặt với stress: phần 2

❤️ Giúp bé sức mạnh đối mặt với stress: phần 2 ❤️
Trẻ em có áp lực không? Cần làm gì để bé có sức mạnh đối diện với áp lực?
💥 Phần 2: Các kỹ năng sống giúp bé đối mặt với khó khăn mà ba mẹ hoàn toàn có thể tự dạy bé, không cần phải nhờ trường lớp nào cả.
👉 Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người xung quanh:
Ba mẹ nên dành thời gian nói chuyện với trẻ nhiều nhất có thể. Mỗi khi nói chuyện với con, hãy để con có thời gian trả lời và tươi cười, ấm áp nhìn vào mắt bé. Điều này cho thấy bạn quan tâm đến nhu cầu được chia sẻ của con.
Khi biết cách giao tiếp, trẻ sẽ biết cách lắng nghe và truyền tải thông điệp tới người khác. Trẻ biết cách bày tỏ mong muốn với cha mẹ, ông bà, thầy cô…việc này rất tốt đối với bé, vì vậy ba mẹ nên khuyến khích trẻ nói ra cảm xúc bản thân thay vì phải che giấu và hành động theo mong muốn của người đối diện. (myalo.vn)
Ấp áp nhìn vào mắt bé để khuyến khích con nói ra cảm xúc bản thân
👉 Dạy trẻ cách tự chăm sóc bản thân: dạy con rửa tay trước khi ăn, tự xúc thức ăn, tự chải đầu, tự chọn quần áo đi học, hướng dẫn con cách sơ cứu những vết thương nhỏ như trầy xước, cách đeo băng dán cá nhân đúng cách… Từ việc chỉ bảo con cách tự chăm sóc bản thân, ba mẹ sẽ dần truyền cho bé khái niệm yêu quý cơ thể, trân trọng sức khỏe của chính mình và người thân. (kienthucmevabe.net)
👉 Dạy trẻ cách vượt qua khó khăn:
-Nếu trẻ cãi nhau với bạn, đừng vội bênh vực con mà hãy tìm hiểu nguyên nhân, dạy trẻ nói ra suy nghĩ, cảm xúc và hỏi bé các cách để làm lành với bạn (giúp trẻ tự động não) rồi sau đó mới gợi ý cho trẻ cách làm đúng.
Hãy để con tự tìm cách giải quyết những vấn đề trước khi hỗ trợ, giúp con giải quyết chúng. Lúc này, dần hình thành tính độc lập trong con, buộc trẻ phải luôn nghĩ đến cách giải quyết trong mọi trường hợp.
Để con động não tìm cách giải quyết vấn đề trước khi hỗ trợ

-Mình vẫn còn nhớ, thời gian du học ở nước ngoài, mình đã nhiều lần ngạc nhiên về cách dạy con của họ, bắt gặp đứa trẻ mang đôi dép trái, trước ánh mắt định nhắc nhở của mình, người mẹ đã ra dấu hiệu để mình lờ đi, vì chị ấy muốn con sẽ tự nhận ra, tìm được cách phân biệt để rồi sau đó sẽ không lập lại nữa, hay nếu trong “phạm vi nguy hiểm chấp nhận được”, họ luôn cho con cơ hội “trải nghiệm thực tế” để nhớ kỹ, chẳng hạn khi con chơi, thay vì phải kè kè theo bé và luôn miệng nhắc nhở bé không được chạy nhanh coi chừng té đau…thì họ để yên cho bé té dưới sự quan sát của người lớn, một lần té đau bé sẽ tự rút ra được kinh nghiệm dè chừng cẩn thận hơn cho lần sau.

-Khi ta dạy trẻ tự lập cũng là đã dạy trẻ cách trưởng thành trong cuộc sống. Hãy cho trẻ biết bản thân có thể làm gì ngay từ khi còn nhỏ. Sau này, khi lớn lên, trẻ sẽ phải tự đối mặt với muôn vàn khó khăn khác, nhờ nền tảng và thời gian thích nghi dần khi còn nhỏ, khi đối mặt với khó khăn thử thách lớn hơn, trẻ sẽ có kinh nghiệm cũng như bản lĩnh để vượt qua.
-Với các bé tiểu học, ba mẹ có thể trò chuyện, đặt câu hỏi cùng con, khi con gặp chuyện thật buồn, cảm thấy oan ức, tủi thân…nếu không muốn kể cho ba mẹ nghe thì con có muốn chia sẻ với ai không…để từ đó hướng bé nghĩ đến việc có thể mở lòng với những người mà bé cảm thấy tin tưởng: bạn thân, anh chị em, ông bà… “Người lớn thấy vấn đề của đứa trẻ như cái miệng giếng nhưng với đứa trẻ nó là cả một bầu trời”, lúc bé cảm thấy khủng hoảng nhưng không thể chia sẻ cùng ai, vấn đề có thể đeo đẳng mãi, trở thành suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi, gặp dịp lại bùng, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. (giadinhonline.vn)
-Với các bé trung học cơ sở, ba mẹ có thể hướng con đến việc động não trả lời cho các câu hỏi “mục tiêu sống của con là gì” để bé có khái niệm, dần dệt nên những ước mơ, hoài bão và biết quý trọng thân thể, sự sống của mình.
💥 Cuối cùng xin cho mình mượn câu nói “Người lớn đã từng là trẻ con nhưng trẻ con chưa từng là người lớn” để thay cho lời kết bài, yêu thương thôi chưa đủ, bao dung thôi vẫn chưa đủ, mà cần lắm lòng kiên nhẫn để ba mẹ bắt tay vào việc dạy và rèn luyện cho bé các kỹ năng sống cần thiết, càng sớm càng tốt, bởi ba mẹ chính là người hiểu rõ con mình nhất, có nhiều thời gian bên bé nhất nên việc này ba mẹ làm sẽ hiệu quả hơn việc cho bé học với bất kỳ trường lớp nào. Trong quá trình dạy bé các kỹ năng sống cũng là lúc ba mẹ kết nối với bé, làm bạn cùng bé, gia tăng sự gần gũi ấm áp, tạo thói quen & niềm tin để bé dễ dàng chia sẻ với ba mẹ tâm trạng, cảm xúc của bé trong quá trình dần trưởng thành.
Xin chúc cho hành trình làm ba mẹ của tất cả chúng ta dẫu gian nan thử thách cũng đầy ngọt ngào bên cạnh bé yêu nhé ❤ !
Mẹ Hà – Sleep Baby – 07/04/2022